A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàm Yên: Phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch

Phấn đấu đến năm 2025, đưa Hàm Yên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch thập phương. Đó là mục tiêu quan trọng đang được Đảng bộ, chính quyền huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang quyết tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2022.

Hàm Yên là huyện miền núi, dân tộc của tỉnh Tuyên Quang. Trên địa bàn huyện có nhiều thắng cảnh du lịch khá nổi tiếng như: Động Tiên, Đền Bắc Mục thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đền Thác Cái, hang Bạch Xà với tượng Đức Mẹ…

Hàm Yên cũng sở hữu nhiều lễ hội, các địa điểm có khả năng phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng như: Lễ hội chọi trâu, lễ hội đón xuân của dân tộc Mông thôn Cao Đường - nơi được ví như “Đà Lạt của Tuyên Quang”, các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian cùng bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng… sinh sống trên địa bàn.  

 Quần thể Động Tiên thuộc thôn Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên được mệnh danh là một Phong Nha giữa đại ngàn Đông Bắc (ảnh: TQ)

Cuối năm 2021, UBND huyện Hàm Yên đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 16/6/2021 của Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.  

Trong Kế hoạch này, huyện Hàm Yên phấn đấu đến năm 2025 đón 115.000 lượt khách du lịch trở lên; tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 98 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 3.000 lao động ngành Du lịch. Đến năm 2030 phấn đấu đón 250.000 lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch trên 170 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 5.000 lao động du lịch...

Dù đang trong giai đoạn triển khai ý tưởng trở thành mô hình du lịch trải nghiệm vườn thanh long song trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Hân ở thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú đã bắt đầu có tiếng ở huyện Hàm Yên. Ông Hân cho hay, hơn chục năm nay, gia đình chủ yếu trồng cam sành. Tình cờ qua một người bạn đã trồng thành công thanh long ruột đỏ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ông quyết định chuyển đổi sang loại cây trồng mới này. Lấy lãi tích lũy từ trồng cam những niên vụ trước, ông đầu tư trồng 7ha cây thanh long ruột đỏ. Lão nông này so sánh, nếu trồng cam sành, một năm chỉ cho thu một vụ nhưng trồng thanh long ruột đỏ thì được thu tới 8 lần/năm.

Sở hữu bí quyết giữ được tai quả vẫn cứng sau 18 - 20 ngày nên quả thanh long nhà ông Hân rất được giá, có những thời điểm giá tại vườn lên tới 28 - 30 nghìn đồng/kg. Không chỉ mang lại thu nhập cao gấp 2 - 3 lần giá cam, hình ảnh về một trang trại thanh long xanh mướt, ngay hàng thẳng lối, nở hoa, kết trái và chín đỏ rực quanh năm đã tạo cảm hứng để gia đình ông Hân nghĩ đến một ý tưởng mới là kết hợp trồng trọt với làm du lịch trải nghiệm.

Nghĩ là làm, gia đình ông Hân tự bỏ tiền làm đường bê tông cho ô tô, xe máy đi vào tận nơi, xây dựng lầu ngắm vườn thanh long từ trên cao, mắc hàng nghìn bóng điện cho các trụ cây để du khách ngắm cảnh đêm, làm đường hoa, dự tính xây nhà sàn, nuôi gà, vịt để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách…

 Ông Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên và lãnh đạo huyện thường xuyên trực tiếp trao đổi với ông Đỗ Văn Hân và nhiều chủ vườn khác để cùng nhau thảo luận thống nhất hướng đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn rừng gắn với du lịch trải nghiệm cho giá trị kinh tế cao (ảnh: TQ)

Theo ông Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, hiện nay, ngoài mô hình của nhà ông Hân, còn có mô hình trải nghiệm vườn cam của hộ ông Bùi Huy Xếp, thôn Làng Soi, xã Yên Phú cũng đang trong giai đoạn chỉnh trang khuôn viên, trồng hoa, xây dựng các chòi dừng chân, các điểm check-in để phục vụ khách du lịch. Quan điểm của huyện là ủng hộ và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, động lực cho những người sản xuất như ông Hân mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế, góp phần hình thành các điểm du lịch nông nghiệp (trang trại, gia trại, miệt vườn,…) để du khách trải nghiệm, mua sắm hàng hóa.

Là huyện miền núi, đất đai rộng lớn, điều kiện tự nhiên đã mang lại cho Hàm Yên những lợi thế lớn về nghề rừng, chăn nuôi và trồng trọt. Lâu nay, Hàm Yên luôn là vùng nguyên liệu giấy truyền thống, là “vựa” cam của tỉnh Tuyên Quang. Phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp gắn với văn hóa để phát triển du lịch, xây dựng huyện trở thành điểm đến du lịch thường xuyên của du khách là hướng phát triển mới của địa phương.

Sản xuất thì phải gắn với mùa vụ, nên trong phát triển du lịch, Hàm Yên chủ trương tạo điểm nhấn theo mùa. Vào mùa xuân tập trung phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc và du lịch lịch sử văn hóa. Mùa hạ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, du lịch thác nước… Mùa thu thì tham gia các nội dung tại Lễ hội Thành Tuyên, trong đó đổi mới nội dung, cách thức thức tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách du lịch đến với huyện. Mùa đông khai thác du lịch tâm linh và trải nghiệm làng văn hóa du lịch các dân tộc thiểu số.

Phục vụ cho yếu tố mùa, Hàm Yên đã có định hướng khai thác tour, tuyến du lịch theo hệ thống các điểm di tích tâm linh trên địa bàn huyện như: đền Thác Cái, đền Bắc Mục; cải tạo, nâng cấp khu Danh thắng Quốc gia Động Tiên gắn với Chợ Quê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của huyện. Đồng thời đầu tư xây dựng phát triển các điểm du lịch sinh thái thôn Cao Đường, xã Yên Thuận; thác Lăn, xã Yên Phú; thác Mạ Héc, xã Phù Lưu; Hồ Khởn, xã Thái Sơn trở thành điểm kết nối du lịch sinh thái của huyện. Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu.

Cam sành Hàm Yên không chỉ làm một đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, mà mỗi khi vào vụ chín luôn là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch ưa thích trải nghiệm (ảnh: NC)

Huyện yêu cầu mỗi xã, thị trấn lựa chọn và xây dựng từ 1 - 2 mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn cây ăn quả, du lịch cộng đồng… đặc trưng của địa phương thực sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Phát triển mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp và hình thành khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm như: cam sành, thanh long ruột đỏ, bưởi,…

Từ năm 2022, huyện Hàm Yên sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức hội - đoàn thể và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp; có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. 

Trong chính sách phát triển du lịch, huyện ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông thiết yếu, hạ tầng viễn thông, các điểm dừng chân, bãi đỗ phương tiện đường bộ tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, trong đó tập trung phát triển các dịch vụ như lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, trải nghiệm... phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch. Trong đó tập trung khôi phục, bảo tồn các lễ hội, làng nghề, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, ẩm thực... đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, khám phá, giao lưu văn hóa cộng đồng. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên. Hạn chế các hoạt động có tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường, như: Không thực hiện các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản; san, đào đất ven hành lang trục đường và khoảng không gian tầm nhìn dọc các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn huyện, trong đó có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông đến các điểm, khu du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh./.

Phương Liên

Tác giả: Mai Phương Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết