A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ bỏ rào cản để phụ nữ cống hiến và sáng tạo nhiều hơn

Một trong những điểm mới của Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII là tổ chức đồng thời 5 trung tâm thảo luận. Qua thảo luận, các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, chia sẻ cách làm thiết thực nhằm gỡ bỏ rào cản để phụ nữ cống hiến, khởi nghiệp và phát huy mạnh mẽ vai trò trong vun đắp giá trị gia đình, phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu tham dự phiên khai Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027

Chiều 10/3, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, các đại biểu tham dự Đại hội đã tham gia sôi nổi thảo luận ở 5 trung tâm thảo luận, với các chủ đề: Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Qua thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay và đóng góp ý kiến trong xây dựng, phát triển phong trào phụ nữ và hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ mới; đồng thời tiếp cận nhiều chủ đề phù hợp với lĩnh vực công việc và mối quan tâm của mình, qua đó đề xuất, kiến nghị và chia sẻ nhiều cách làm thiết thực nhằm gỡ bỏ rào cản để phụ nữ cống hiến và phát huy mạnh mẽ vai trong trong việc vun đắp giá trị gia đình Việt.

Vẫn còn sự định kiến, khuôn mẫu giới, khắt khe đối với phụ nữ

Chia sẻ tại trung tâm thảo luận về "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, dù đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình song thực tế cho thấy nữ trí thức vẫn đối mặt những rào cản, thách thức, bất bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng những thành tựu phát triển của xã hội, vẫn gặp nhiều trở ngại, hạn chế trên con đường phấn đấu. Số phụ nữ có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi chưa nhiều; trình độ lý luận của nữ cán bộ, viên chức, người lao động không đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng và những đóng góp to lớn của lực lượng lao động nữ trong ngành Giáo dục nói riêng và các lực lượng lao động nữ nói chung.

Đại biểu Ngô Thị Minh nhận định, đâu đó vẫn còn sự định kiến, khuôn mẫu giới; sự khắt khe đối với phụ nữ còn tồn tại trong nhận thức chung của xã hội, nhận thức về bình đẳng giới trong các cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ nữ trí thức chưa tương xứng với đóng góp của họ; chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài nguồn nhân lực nữ chất lượng cao... Đó chính là những thách thức, làm cản trở việc thực hiện quyền bình đẳng giới, phát triển nguồn nhân lực nữ hiện nay.

Từ thực tế trên, để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để các cấp, các ngành nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cần quan tâm việc đa dạng hóa các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số. 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho rằng cần bảo đảm tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, nhất là cho trẻ em gái thông qua các giải pháp như: Phát triển các dịch vụ giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục có chất lượng.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Bế Thị Băng, người dân tộc Tày, sinh ra tại Hòa An (tỉnh Cao Bằng), là Hoa khôi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết Việt Nam 2019, chia sẻ với mong muốn người phụ nữ Việt Nam luôn sống đẹp, là những bông hoa luôn tỏa hương giữa đời thường, lan tỏa những điều tích cực cho cộng đồng và xã hội, chị Băng cho rằng phụ nữ cùng nhau không ngừng trau dồi tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, suy nghĩ và hành động tích cực góp phần đẩy lùi những hành vi bạo lực, tiêu cực trong cộng đồng, xã hội.

Đại biểu Bế Thị Băng nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em là thành viên bình đẳng trong gia đình và xã hội. Bảo vệ phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của toàn dân trong đó có chúng ta. Chị Băng kêu gọi mọi người hãy dùng trái tim yêu thương của mình để tôn trọng phụ nữ và dám lên án những hành động trái với lối sống và nhân phẩm, đè nén lên cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Vì thế, hãy đồng hành cùng họ!

Chị Băng chia sẻ, bản thân bị mất một chân phải sau một tai nạn giao thông khi mới 24 tuổi, những tưởng tương lai đã đóng lại nhưng sau những suy nghĩ tiêu cực, chị đã tự tìm cho mình những lối đi riêng, những suy nghĩ khác, sống khác, bắt đầu lại từ con số âm.

Bên cạnh những giải pháp, kiến nghị về chính sách, đại biểu Bế Thị Băng cho rằng, bản thân người phụ nữ cũng cần có những nỗ lực tự thân, vượt qua chính mình để vươn tới ước mơ. Đại biểu Băng mong muốn người khuyết tật hãy sống một cuộc đời của chính mình, hãy coi khuyết tật là những thứ "vũ khí" đặc biệt nhất của hiện tại để vượt lên chính mình bởi "Người khuyết tật hay người không khuyết tật chúng ta có quyền bình đẳng, có quyền sống và làm tất cả những gì mình mong muốn".

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận trong khuôn khổ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp thành công từ nền tảng công nghệ số

Chia sẻ tại trung tâm thảo luận về chủ đề Phụ nữ trong nền kinh tế số, Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm qua chế biến của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Việt Nam vươn lên trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU. Góp phần vào những thành tựu đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nông thôn.

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh nhận định, phụ nữ nông thôn là những hạt nhân cơ sở đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Tiêu chí số 17 “Môi trường và An toàn thực phẩm” trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phụ nữ nông thôn mạnh dạn chuyển dịch từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang hợp tác, liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị; đồng thời tích cực tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP, trong đó 39% chủ thể OCOP là nữ) từ đó, phụ nữ nông thôn không chỉ giúp nhau thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu cho chính gia đình và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh cho rằng, nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật và năng lực trình độ sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của một số phụ nữ nông thôn còn hạn chế; nhiều chị em gặp nhiều thách thức trong tiếp cận đất đai, vốn hay các nguồn lực khác… Vì vậy, dưới góc độ của ngành nông nghiệp, Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của Hội và hội viên phụ nữ trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn. Đó là, hỗ trợ phụ nữ áp dụng số hóa trong nông nghiệp, xây dựng các mô hình nông nghiệp có chứng nhận VietGap, Global GAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, chứng nhận an toàn dịch bệnh... có truy xuất nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; gắn với Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Đại biểu Đào Lan Hương, Giám đốc Học viện Công nghệ Sáng tạo Teky chia sẻ tại trung tâm thảo luận về chủ đề Phụ nữ trong nền kinh tế số

Cùng ở khía cạnh này, kiến nghị tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp thành công từ nền tảng công nghệ số, đại biểu Đào Lan Hương - Giám đốc Học viện Công nghệ Sáng tạo Teky cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng tới mọi quốc gia, sắc tộc, giới tính, độ tuổi, nhưng lao động nữ ít được hoặc ít chủ động trang bị các kỹ năng công nghệ cần thiết.

Theo đại biểu Đào Lan Hương, năng lực số là con đường duy nhất, bắt buộc hiện nay để khởi nghiệp thành công, thích nghi và ứng phó với thế giới công nghệ nhiều thay đổi và tầm quan trọng của chuyển đổi số lại càng cấp thiết bởi các biến động khó lường từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây lại là thách thức lớn đối với doanh nghiệp do nữ giới làm chủ.

Để phụ nữ có thể hội nhập, đóng góp nhiều hơn cho phát triển xã hội, xây dựng kinh tế gia đình bền vững, đại biểu Đào Lan Hương cho rằng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các cấp Hội là cấp thiết và đúng đắn. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể dành cho hội viên khởi nghiệp; chú trọng, năng lực ứng dụng công nghệ của các hội viên thông qua các hội thảo thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, trong chương trình đào tạo kiến thức - kỹ năng công nghệ, chương trình tiếp cận chuyên gia có kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam và phát triển kinh tế-xã hội

Các đại biểu tham dự tại trung tâm thảo luận số 3 với chủ đề Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam 

Tham gia thảo luận với chủ đề "Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam", nhiều đại biểu đã bày tỏ thống nhất vai trò quan trọng, trách nhiệm của phụ nữ trong vun đắp và phát huy các giá trị gia đình Việt cũng như công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, sự ổn định của gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Theo đại biểu Trần Thị Minh Thi, xây dựng gia đình an toàn cực kỳ quan trọng trong bối cảnh có những nguy cơ cũ và mới cùng nảy sinh trong xã hội. Gia đình có môi trường sống an toàn để cá nhân được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành; là nơi mang đến an toàn về cảm xúc, giúp cân bằng tâm lý, tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống bằng tình yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và gắn kết.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh: Việc xây dựng gia đình thịnh vượng là điều kiện quan trọng để có gia đình hạnh phúc, an toàn. Trong đó, bình đẳng giới là một chỉ báo quan trọng của hiện đại hóa và tiến bộ trong gia đình, theo hướng hai vợ chồng cùng tham gia đóng góp kinh tế, chi tiêu, quyết định các việc trong gia đình.

Cùng quan điểm về vai trò quan trọng của phụ nữ, Tiến sỹ Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho rằng, công tác dân số đã đạt nhiều thành tựu quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước; tác động, gắn kết chặt chẽ với phát triển giá trị gia đình hiện nay.

Vì vậy, theo Tiến sỹ Đinh Huy Dương, các cấp hội phụ nữ cần tiếp tục xác định công tác dân số và gia đình là những nội dung quan trọng, thường xuyên trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương; phải xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về các vấn đề dân số và phát triển; vị trí, vai trò của phụ nữ, gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phù hợp theo từng vùng miền; chú trọng truyền thông về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vận động, tư vấn chị em khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản...

Đặc biệt, các cấp hội cần quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế gia đình, có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế cho các gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương Trương Thanh Nga cho biết, do hoàn cảnh phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập hàng tháng nên người lao động gặp nhiều khó khăn, áp lực về chi tiêu học hành con cái, chi phí cuộc sống hàng ngày và các chi phí khác dẫn đến những mâu thuẫn, xích mích vợ chồng, đe dọa hôn nhân và hạnh phúc, tình trạng ly hôn của các gia đình trẻ tăng lên…

Để góp phần ổn định đời sống người lao động, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương đề xuất Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách cụ thể, căn cơ để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương có nhiều người lao động nhập cư như Bình Dương xây dựng được nhiều nhà ở xã hội với giá bán ưu đãi, giúp công nhân "an cư lạc nghiệp". Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ, phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do thiên tai và dịch bệnh. Ngoài ra, các cấp hội tiếp tục thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, xây dựng chế tài quản lý, mở rộng các nguồn vốn vay cho đối tượng phụ nữ di cư để phát triển sản xuất, kinh doanh…/.

Nhóm PV

 

 


Tác giả: Mai Phương Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết