Giảm năm đóng BHXH để có lương hưu: Đề xuất thêm chính sách tự nguyện đóng bổ sung
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã chính thức đưa vào phương án giảm thời gian đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Nếu được thông qua, sẽ có một nhóm người lao động (NLĐ) chỉ tham gia BHXH 15 năm và nhận lương hưu với mức thấp. Có ý kiến đề xuất cần thêm chính sách để những người này được quyền lựa chọn cải thiện lương hưu của chính mình.
Có lương hưu vẫn hơn không
Về mức hưởng, với lao động nam đóng 15 năm nhận lương hưu bằng 33,7% bình quân tiền lương tháng tính đóng BHXH; nữ nhận lương hưu bằng 45% bình quân tiền lương tháng tính đóng.
Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện tại tiền lương bình quân tính đóng BHXH của người tham gia khoảng 5,7 triệu đồng/người/tháng. Nếu xem đây là mức lương bình quân cả quá trình đóng BHXH, với 15 năm đóng, nam chỉ nhận mức lương hưu hơn 1,9 triệu đồng/tháng; nữ nhận mức lương hưu hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Thực tế, mức lương tính đóng BHXH của nhiều công nhân trong 15 năm trở lại đây còn thấp hơn mức trên (nhiều người chỉ được đóng theo lương tối thiểu vùng), nên mức lương hưu với 15 năm đóng BHXH còn thấp hơn. Thậm chí, với nhóm tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người chọn mức lương tính đóng chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, nên lương hưu sẽ rất thấp.
Giảm số năm đóng BHXH để có lương hưu giúp nhiều người có cơ hội nhận lương khi hết tuổi lao động Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị xây dựng luật) cho hay, giảm thời gian đóng BHXH để có lương hưu xuống 15 năm sẽ có thêm nhiều người được nhận lương hưu. Thực tế, nhiều người hơn 40 tuổi mới tham gia BHXH, hoặc không tham gia liên tục, nếu quy định đóng tối thiểu 20 năm họ không đủ điều kiện nhận lương hưu. Từ năm 2014 tới nay, hơn 20 nghìn người tới tuổi hưu nhưng đóng BHXH không đủ 20 năm nên không có lương hưu; hơn 300 nghìn người nhận BHXH một lần khi đã đóng được 10 năm trở lên. Khi giảm thời gian đóng BHXH, nhóm lao động trên có cơ hội nhận lương hưu.
Thời gian qua, trong mỗi lần điều chỉnh tăng lương hưu, Nhà nước phải có một chính sách tăng thêm cho nhóm có lương hưu thấp (dưới 3 triệu đồng/tháng), nghỉ hưu trước năm 1995. Hiện tại nhóm nhận lương hưu mức thấp này có khoảng 230 nghìn người.
Ông Cường nhìn nhận, khi giảm thời gian đóng BHXH sẽ gia tăng người nhận lương hưu thấp, vì nguyên tắc BHXH là đóng - hưởng (đóng nhiều hưởng nhiều và ngược lại). “Người đóng BHXH 15 năm sẽ nhận mức lương hưu thấp nhất, nhưng so với trước đây không có, nay được nhận lương hưu, bảo hiểm y tế miễn phí vẫn hơn. Chưa kể, mức lương hưu được Nhà nước điều chỉnh tăng định kỳ. Sau đó, để cải thiện tiền lương hưu thấp, có thể thêm chính sách, giải pháp khác, nhưng người đóng ít lại muốn nhận lương cao là không khả thi”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, có thể bổ sung chính sách cho phép người đóng BHXH 15 năm tới tuổi nghỉ hưu được đóng bổ sung 1 lần cho vài năm để tăng thời gian đóng và tăng mức lương hưu được nhận.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, khi giảm năm đóng BHXH để có lương hưu sẽ tác động tiêu cực tới quỹ BHXH, vì thời gian đóng ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài (bình quân thời gian hưởng lương hưu hiện nay khoảng 20 năm).
Nên có sự chia sẻ giữa người cao và thấp
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, chế độ hưu trí là mục tiêu chính của BHXH, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội. Mục tiêu sửa Luật BHXH lần này hướng tới tăng quyền lợi với người ở lại hệ thống và giảm với người nhận BHXH một lần.
Ông Quảng ủng hộ giải pháp giảm năm đóng BHXH để có lương hưu xuống 15 năm, nhưng cách tính lương hưu còn nặng về đóng - hưởng (đóng sao hưởng vậy), chưa có sự chia sẻ giữa người cao và thấp. Thực tế, nhiều người nhận lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng, nhưng có người lương hưu lên tới 100 triệu đồng/tháng.
“Chúng ta nên xây dựng tầng hưu trí cơ bản có khoảng cách về mức lương hưu không quá xa nhau, khoảng cách lớn chỉ nên có với nhóm tham gia BHXH bổ sung. Rất tiếc, dự thảo Luật BHXH sửa đổi chưa thể hiện được tính chia sẻ như vậy. Dù sao, có lương hưu thấp vẫn hơn không có”, ông Quảng nói và đề xuất có thêm chính sách tự nguyện đóng bổ sung với người có thời gian đóng BHXH ít để họ được cải thiện mức lương hưu.
Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Năm 2016, quỹ BHXH chi hơn 55,5 nghìn tỷ đồng trả chế độ hưu trí và tử tuất; năm 2021, con số này tăng lên hơn 176,8 nghìn tỷ đồng. Hết năm 2021, quỹ hưu trí và tử tuất kết dư trên 882,2 nghìn tỷ đồng (trong ngắn hạn quỹ đảm bảo cân đối).
Theo Lê Hữu Việt