A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội đề xuất lương giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp

Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương, trong đó có việc tăng lương cho đội ngũ giáo viên.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ) đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đại biểu cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra. Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…

Đại biểu Quốc hội đề xuất lương giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu cho biết, Nghị quyết số 29-NQ/TW (về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế) có nêu: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Tuy nhiên thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề.

Bên cạnh đó, nhân viên trường học (khoảng 10% trong môi trường giáo dục) có vai trò quan trọng vận hành và phát triển nhà trường. Song dù họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo, dù cùng làm trong ngành giáo dục.

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo chính chất công việc, theo vùng đúng như Nghị quyết 29 đề ra.

Đồng thời đại biểu cũng đề nghị có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lương giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Cùng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc năm học 2022-2023 cả nước còn thiếu 118.000 giáo viên, làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.

Qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội cho thấy, hiện nay tình trạng tinh giản biên chế cơ học cào bằng 10% với ngành đặc thù như ngành giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên đứng lớp.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lương giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam). Ảnh: Quốc hội

Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi, trong khi việc tuyển mới là rất khó khăn, có nhiều người không tham gia dự tuyển, thậm chí có người khi trúng tuyển tại các khu vực này cũng bỏ việc, không nhận công tác ở những khu vực khó khăn như vậy.

Từ thực trạng này, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên, trước mắt là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Đồng thời, có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng khó khăn thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi. Việc đào tạo giáo viên sư phạm phải đáp ứng với yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng làm mất cân bằng giữa các ngành học, giữa các vùng, theo tinh thần ở đâu có trường, có lớp ở đó phải có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp.

Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...