A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách thuế phải đảm bảo công bằng, khuyến khích lao động

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành với mục tiêu điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đến giai đoạn hiện nay, hệ thống các quy định đã bắt đầu bộc lộ một số bất cập tạo áp lực tài chính lên người lao động, ảnh hưởng tới các mục tiêu khác.

Chính sách thuế phải đảm bảo công bằng, khuyến khích lao động (Ảnh minh họa).

Bộc lộ cùng lúc nhiều hạn chế

Luật thuế TNCN tại Việt Nam hiện đang áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc thuế, mức thuế suất từ 5% đến 35%. Mục đích của chính sách này nhằm đảm bảo công bằng xã hội, người có thu nhập cao hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước.

Có thể thấy, TNCN không chỉ là công cụ điều tiết thu nhập, góp phần phân phối lại của cải, mà còn là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng…

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khoảng cách giữa các bậc thuế TNCN hiện không còn phù hợp. Vì vậy, cần giãn khoảng cách, giảm số bậc thuế từ 7 xuống 4-5 bậc và điều chỉnh thuế suất cao nhất để hệ thống thuế trở nên công bằng và hợp lý hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, Trọng tài viên, trung tâm trọng tài Quốc tế VIAC, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành chưa hợp lý, do khoảng cách giữa các bậc khá hẹp, khiến những người có thu nhập cao bị điều tiết thuế mạnh hơn, chưa tạo động lực khuyến khích lao động có trình độ cao. Đồng thời, cần nghiên cứu giảm thuế cho một số ngành nghề đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng.

Ngoài ra, bà Cúc cho rằng, biểu thuế hiện tại chưa tạo được sự cân bằng giữa thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. “Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chỉ ở mức 20% và có nhiều chính sách ưu đãi, trong khi đó thuế TNCN là 35% mà không có ưu đãi nào, ngay cả với các ngành nghề cần thu hút nhân lực chất lượng cao.

Thực trạng này khiến một số cá nhân phải chịu mức thuế trên 30% tổng thu nhập chịu thuế, tạo áp lực lên người lao động có thu nhập khá trở lên”, bà Cúc phân tích thêm, bên cạnh đó, chính sách xác định người phụ thuộc cũng đang gặp nhiều vấn đề.

“Theo luật hiện hành, người phụ thuộc có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng sẽ không được giảm trừ. Điều này không hợp lý khi mức sống ngày càng tăng, chi phí sinh hoạt ngày càng cao", bà Cúc nói.

Đồng thuận, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho biết, quy định về giảm trừ gia cảnh chưa thực sự linh hoạt, chưa phản ánh đúng thực tế đời sống. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay khá cao so với GDP bình quân đầu người, nhưng khi so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chịu mức điều tiết thuế cao hơn.

Dẫn chứng là từ năm 2020 - 2024, tổng thu thuế TNCN tăng 72%, trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 30,2%. Điều này dẫn đến thực trạng số thuế phải nộp ngày càng cao so với mức thu nhập thực tế của người dân.

Đảm bảo công bằng trong thuế TNCN, giúp tăng hiệu quả thu ngân sách mà không tạo ra gánh nặng không đáng có đối với người lao động (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, thuế TNCN là 1 trong 9 loại thuế của Việt Nam hiện nay. Năm 2024, sắc thuế này đóng góp hơn 198 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 10%) vào tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu thuế trên tổng thu ngày một tăng đã góp phần điều tiết thu nhập, tạo công bằng.

“Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế - xã hội, thuế TNCN bộc bộ những hạn chế cần chỉnh sửa, bổ sung, hướng đến mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, tăng nguồn thu ngân sách và thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế với chiến lược tăng trưởng hai con số từ năm 2026”, ông Nghị lưu ý.

Cần giãn khoảng cách và giảm thuế suất tối đa

Trước những bất cập trên, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp về cải cách thuế TNCN. Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh. Mức này nên được điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mức sống cơ bản cho người lao động.

"Mức giảm trừ gia cảnh có thể nâng lên tương đương 1,5 lần GDP bình quân đầu người, giúp người lao động có thu nhập thực tế cao hơn", PGS.TS Lê Xuân Trường nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống thuế thu nhập cá nhân cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội, tạo động lực cho người lao động có thu nhập cao phát triển sự nghiệp và gia tăng thu nhập chính thức.

Đề xuất giải pháp cải cách biểu thuế, TS. Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, cần thay thế biểu thuế 7 bậc bằng biểu thuế 5 bậc, đồng thời mở rộng phạm vi thu nhập cho từng bậc để giảm nghĩa vụ thuế cho nhóm có thu nhập trung bình.

"Người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng (sau khi trừ giảm trừ gia cảnh) chỉ nên nộp thuế ở bậc thấp nhất, thuế suất 5%”. Mức thu nhập cao nhất chịu thuế suất tối đa có thể nâng lên 200 triệu đồng/tháng thay vì 80 triệu đồng như hiện nay. Điều này giúp đảm bảo người có thu nhập cao thực sự mới phải chịu thuế suất cao nhất, đồng thời khuyến khích lao động chất lượng cao ở lại làm việc trong nước.

Ông Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, cần giảm số bậc thuế từ 7 xuống còn 4-5 bậc để hệ thống thuế đơn giản hơn, giúp người lao động dễ hiểu, dễ áp dụng.

“Giãn khoảng cách giữa các bậc thuế suất, đặc biệt trong các mức thuế 20%-30%-35%, nhằm tránh tình trạng tăng nghĩa vụ thuế khi thu nhập tăng nhẹ. Đồng thời, giảm thuế suất cao nhất xuống 30% và chỉ áp dụng với thu nhập trên 2 tỉ đồng/năm, thay vì 960 triệu đồng/năm như hiện tại. Điều này giúp hệ thống thuế công bằng hơn, chỉ áp dụng mức thuế cao nhất với những cá nhân thực sự có thu nhập lớn, thay vì đánh đồng với những người có thu nhập trung bình khá trong các ngành nghề đang phát triển”, ông Huy khuyến nghị.

Từ kinh nghiệm hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực thuế, chuyên gia về thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, nên bỏ thuế suất 35% và giãn khoảng cách bậc thuế để giảm áp lực thuế, tạo sự công bằng hơn giữa các nhóm thu nhập. Hiện nay, thuế suất cao nhất lên đến 35%, tạo gánh nặng tài chính lớn cho người có thu nhập cao.

Đồng thời, nên xem xét lại quy định về người phụ thuộc, vì việc xác định người phụ thuộc chỉ dựa vào mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng là chưa hợp lý. Cần có chính sách linh hoạt hơn để đảm bảo công bằng trong việc tính thuế.

Bà Thu cũng lưu ý, ngoài điều chỉnh mức thuế và giảm trừ gia cảnh, việc minh bạch hóa và hiện đại hóa quản lý thuế cũng rất quan trọng. Việc thu thuế TNCN theo tháng nhưng quyết toán vào cuối năm cũng gây nhiều bất cập. Cần nghiên cứu phương thức thu hợp lý hơn để không gây thiệt thòi cho người lao động.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Phan Hữu Nghị khuyến nghị, xu hướng cải cách thuế TNCN của các nước hiện nay đều tập trung vào mục tiêu chính: thứ nhất là giảm gánh nặng thuế cho người lao động, những người sống chủ yếu bằng tiền lương, tiền công, tiền thù lao; thứ hai là tăng cường công bằng thuế, đặc biệt cần tạo công bằng dọc; thứ ba là mở rộng cơ sở thuế thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế số và toàn cầu hóa.

Do vậy, việc cải tiến phương thức khai thuế, ứng dụng công nghệ để đồng bộ dữ liệu thu nhập và xây dựng hệ thống hoàn thuế minh bạch là những giải pháp cần thiết để đảm bảo công bằng trong thuế TNCN, giúp tăng hiệu quả thu ngân sách mà không tạo ra gánh nặng không đáng có đối với người lao động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...