Chăm sóc tốt hơn nữa cho con công nhân
Điều kiện kinh tế khó khăn là nguyên nhân lớn nhất làm giảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, do thời giờ làm việc kéo dài, tăng ca, làm thêm của cha mẹ… khiến công tác giáo dục, chăm sóc cho trẻ em là con công nhân chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, cần có những chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con công nhân, quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của trẻ.
53,6% trẻ được hưởng bữa ăn có đủ những thực phẩm thiết yếu
Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 291 KCN đã đi vào hoạt động với khoảng 4,1 triệu lao động đang làm việc. Việc phát triển nhanh các KCN, KKT với số lượng lớn công nhân lao động, cũng dẫn đến nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến an sinh xã hội, khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội.
Đoàn công tác của Viện Công nhân và Công đoàn khảo sát tại khu trọ phường An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: H.T. |
Theo số liệu thống kê cuối năm 2021, phụ nữ chiếm 50,2% dân số và 46,5% tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam lên đến 70,9%, cao hơn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Tại các KCN, KKT, công nhân phần lớn trong tuổi sinh sản, nhu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con là rất lớn. Tuy nhiên, với điều kiện làm việc và thu nhập của bố mẹ, những đứa trẻ là con công nhân rõ ràng không thể có được sự chăm sóc, phát triển ở một môi trường tốt. Chưa kể, những đứa trẻ này còn có rất nhiều thiệt thòi về tinh thần.
Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các KCN ở Việt Nam hiện nay”, Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang - Viện Công nhân và Công đoàn, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua khảo sát, có 31,3% con công nhân có chế độ ăn uống không đủ chất, thiếu dinh dưỡng; chỉ 53,6% trẻ được hưởng bữa ăn có đủ những thực phẩm thiết yếu như thịt, rau xanh, hoa quả, sữa, đồ ăn vặt và 14,9% trẻ cách ngày mới được hưởng chế độ ăn uống như vậy.
Việc ăn uống không đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng xấu đến thể trạng, sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Công nhân lao động các KCN với mức lương eo hẹp, luôn phải chi tiêu dè sẻn, dù muốn con cái mình được hưởng sự chăm sóc tốt nhất để có điều kiện phát triển toàn diện nhưng không thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.
Đáng chú ý, 54,2% con công nhân chưa được cha mẹ chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ. Chỉ 45,8% trẻ em được theo dõi sức khỏe định kì tương đối đầy đủ và chủ động. Nhiều trẻ chỉ khi ốm đau phát bệnh mới được cha mẹ đưa đi khám chữa và chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế. Trong khi đó, việc theo dõi sức khỏe định kỳ rất quan trọng với trẻ, giúp phát hiện và loại bỏ sớm các yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ gây bệnh cho trẻ.
Trong bối cảnh khoảng 60% công nhân KCN chưa được hỗ trợ về nhà ở, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân mới chỉ đáp ứng khoảng 39% nhu cầu, đa số công nhân làm việc tại các KCN phải thuê nhà trọ để ở. Điều này dẫn đến nhiều trẻ em là con công nhân cũng phải chịu cảnh thiếu thốn chỗ ở, phải ở trọ cùng cha mẹ trong những phòng trọ chật hẹp. Kết quả khảo sát đề tài cho thấy, có tới 31% con công nhân ở nhà trọ dưới 15m2, xập xệ, thiếu ánh sáng, thiếu khoảng không.
Việc giáo dục cho con cái của công nhân gặp rất nhiều khó khăn, có 41,9% bận đi làm kiếm tiền; 38,1% điều kiện kinh tế eo hẹp, khó khăn; 21,8% không có nhiều kiến thức, kỹ năng; 20,4% cảm thấy mệt mỏi sau thời gian làm việc nên một bộ phận trẻ em là con công nhân không nhận được sự quan tâm giáo dục cần thiết từ cha mẹ. Từ đó, dẫn đến có 35,5% trẻ không được vui chơi cùng cha mẹ; 30,8% không được gần gũi, chia sẻ cảm xúc; 17,6% không được quan tâm dỗ dành khi bị tổn thương; 18,9% không được giải đáp sự hiếu kỳ, tò mò…
“Đặc điểm nghề nghiệp lao động cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân KCN, như công nhân ngành Dệt may - Da giày ít có điều kiện chăm sóc con cái hơn các nhóm ngành khác trong các KCN; công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đấu từ nước ngoài (FDI) ít có điều kiện chăm sóc con hơn các loại hình doanh nghiệp khác; lao động di cư ít có điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ hơn lao động địa phương” - đại diện nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Quan tâm phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn các KCN
Từ kết quả đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng trên, đó là phát động xây dựng mô hình gia đình công nhân KCN văn hóa, phòng tránh nguy cơ bạo lực gia đình. Người lớn không quát mắng, đe nẹt, chì chiết trẻ; không xúc phạm, chửi bới; không kỳ thị, phân biệt đối xử; không bêu riếu công khai làm trẻ bị tổn thương, sợ, thu mình lại.
Đoàn công tác của Viện Công nhân và Công đoàn tặng quà con công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại khu trọ phường An Bình (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: H.T. |
Ngoài ra, cần tăng cường giám sát xã hội, giám sát cộng đồng thực hiện nghiêm pháp luật về lao động, phòng tránh lạm dụng lao động trẻ em. Chủ động bảo vệ con em trên không gian mạng, ngăn chặn thói quen nghiện game, nghiện xem youtube, nghiện sử dụng tivi, điện thoại,.. tăng cường không gian vui chơi giải trí, tương tác, trải nghiệm kỹ năng cho trẻ…
Từ thực tế khảo sát, nhóm nghiên cứu khuyến nghị với Chính phủ: Đề nghị Chính phủ có sự lãnh đạo, chỉ đạo chung và toàn diện đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành liên quan khi thu hút đầu tư, phê duyệt các dự án xây dựng, đặc biệt là xây dựng KCN, KKT... cần phải dành một phần quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học… cho người lao động và con em công nhân lao động. Đẩy mạnh triển khai Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn các KCN tại các địa phương. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị định, Nghị quyết, Chương trình, Chỉ thị… để có đánh giá về hiệu quả thực hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.
Đối với tổ chức Công đoàn, nhóm nghiên cứu đề nghị: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt các chức năng của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tích cực tham gia đàm phán với người sử dụng lao động đưa được các nội dung liên quan đến vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con công nhân vào thành thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, thậm chí thành điều khoản quy định trong Hợp đồng lao động, phấn đấu đưa nội dung này vào các cuộc thương lượng và Thỏa ước lao động tập thể…
Từ thực tế hiện nay, đối với doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đề nghị người sử dụng lao động quan tâm hơn trong vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là con công nhân đang làm việc tại đơn vị. Cần có những chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con công nhân, quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ và gia đình để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp./.