Cần ưu đãi đột phá cho ngành bán dẫn ở Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ ủng hộ Chính phủ đề xuất những ưu đãi vượt khung hiện nay để thu hút các dự án công nghiệp chất bán dẫn.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là một động lực lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam kể từ sau khi đất nước mở cửa cho đến nay. Nếu như trước đây, có nhiều làn sóng FDI vào Việt Nam để tận dụng một số lợi thế so sánh nổi trội gồm nhân công dồi dào và giá rẻ, thì hiện nay, một số lợi thế đó dần mất đi và cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên quyết liệt trong khu vực.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài có còn như trước? Việt Nam cần dành những ưu đãi nào để thu hút FDI vào những ngành chiến lược và tạo động lực đột phá cho đất nước phát triển?
Mối quan tâm của các “đại bàng” công nghệ Mỹ
Không phải kể từ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vừa qua, vấn đề phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn mới được quan tâm nhiều trên truyền thông đến vậy.
Trước đó, nhà máy chip của Intel đã hoạt động từ năm 2010 và đến này đã xuất xưởng tổng cộng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm, đưa Việt Nam lên bản đồ chip thế giới. Sản lượng của Intel Việt Nam hiện chiếm tổng cộng trên 50% sản lượng lắp ráp và thử nghiệm trên toàn cầu.
Một số công ty Mỹ và Hàn Quốc như Amkor, Samsung, Hana Micron Vina, Marvell Techonology, Synopsys đánh dấu sự hiện diện của mình tại đây. Lãnh đạo cấp cao của Intel, Amkor, Marvell, và GlobalFoundries đã tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo nhân chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Mỹ nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước đã cụ thể hóa những thỏa thuận trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, trong đó có đưa Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong chuyến thăm, hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn là một trọng tâm trong trao đổi giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này. Tại các cuộc làm việc, nhiều doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, thậm chí để ngỏ khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, chứ không dừng lại ở khâu lắp ráp, kiểm tra và đóng gói như hiện nay.
Đáng chú ý, Tập đoàn Synopsys đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam; với Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip. NIC cũng ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence Design Systems về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số biên bản, thỏa thuận về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam giữa Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) và Công ty Silvaco (Mỹ); giữa NIC và Đại học bang Arizona; giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Tập đoàn Intel.
Cũng trong chuyến thăm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tập đoàn Nvidia dự kiến hoàn thiện các thủ tục nội bộ và ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu-phát triển-chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thời gian tới.
Khung khổ pháp lý ưu đãi đầu tư đã sẵn sàng
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) ngày 29/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Trong thực tế, Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm cho các khoản đầu tư vào cả nghiên cứu và xây dựng cơ sở vật chất cho các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó chất bán dẫn là ngành ưu tiên.
Ngoài ra, Luật Đầu tư năm 2020 quy định những hình thức ưu đãi cho các dự án công nghệ cao gồm miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…
Tiếp đó, Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Cụ thể hơn, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg ngày 16/3/2021 quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, trong đó đề cập cụ thể đến ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, và tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Đáng chú ý, khoản 5 Điều 20 Luật Đầu tư năm 2020 nêu rõ: “Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.
Cần có ưu đãi vượt khung cho ngành bán dẫn
Trao đổi với Nhà đầu tư, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ ủng hộ Chính phủ đề xuất những ưu đãi vượt khung hiện nay để thu hút các dự án chất bán dẫn.
Theo chuyên gia này, lãnh đạo cấp cao, các doanh nghiệp, các ngành và địa phương ở Việt Nam đều mong muốn tạo bước chuyển mới trong thu hút FDI tập trung vào các ngành tạo giá trị gia tăng lớn hơn, các ngành có công nghệ cao hơn với hàm lượng công nghệ thực sự chứ không chỉ dừng ở gia công, lắp ráp.
Trong một thời gian dài Samsung đầu tư ở Việt Nam, Việt Nam chưa xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ cho Samsung, trong khi “ông lớn” Hàn Quốc vẫn kéo một loạt nhà đầu tư vừa và nhỏ từ Hàn Quốc sang.
Bà Lan đề xuất, thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn phải khác với những gì Samsung đã làm ở Việt Nam, dù Samsung đã có những bước tiến như xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hà Nội.
“Ngành mới rất cần rút kinh nghiệm từ những năm trước. Theo đó, cần thu hút những ngành công nghệ cao để thay đổi cấu trúc kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam, thực sự có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam”, bà Lan nói.
“Tôi kỳ vọng lần này Chính phủ sẽ áp dụng những chính sách ưu đãi tốt hơn. Khoản 5 Điều 20 Luật đầu tư năm 2020 tạo sự linh động, mở ra không gian cho Chính phủ hành động, đưa ra những quyết định táo bạo hơn khi cần thiết để thu hút những dự án đầu tư quan trọng mà Việt Nam thực sự muốn có. Ta phải có những cơ chế đặc biệt hơn những dự án thông thường. Tôi mong lần này Chính phủ sẽ vận dụng cho ngành bán dẫn. Cách làm là Chính phủ bàn kỹ và đưa ra xin ý kiến Quốc hội”, chuyên gia đề xuất.
Bà Lan nhắc lại câu chuyện mà GS. Nguyễn Mại từng đề cập khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã lập một tổ công tác đặc biệt để đàm phán với Intel, quyết tâm đưa dự án của Intel về Việt Nam bằng được khi họ đang lựa chọn giữa Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Tổ công tác đã đưa ra một số đề xuất vượt khung pháp luật thời đó. Dự án của Intel là dự án duy nhất được Chính phủ chấp nhận hỗ trợ về tài chính khi đó, theo đề nghị từ phía nhà đầu tư.
Bà Lan cũng lưu ý một số tiêu chí khi chọn lựa nhà đầu tư chất bán dẫn. Đó là nhà đầu tư đến từ nước có công nghệ nguồn và cao nhất như Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, chứ không phải từ những nước “ăn cắp công nghệ rồi xào xáo lại”. Ngoài ra, cần tránh nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh về địa-kinh tế giữa các nước lớn; và có cam kết để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của nhà đầu tư đó.
“Những ai đáp ứng được cả ba điều đó đáng được nhận ưu đãi ở mức cao nhất”, cựu Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đề cập đến việc Việt Nam có lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, bà Lan cho rằng Việt Nam nên có cách bù đắp khoản thuế này cho nhà đầu tư thông qua các kênh khác.
Theo Minh Tuấn
Nhà đầu tư
Link bài gốc Lấy link! https://nhadautu.vn/can-uu-dai-dot-pha-cho-cong-nghiep-ban-dan-o-viet-nam-d80301.html