A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thêm chính sách cho doanh nghiệp công nghệ số

Trong giai đoạn chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ số (CNS) đang có một vị trí và vai trò hết sức quan trọng, là động lực mới để thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng.

Tuy nhiên, để cộng đồng doanh nghiệp CNS thực sự phát triển thì cần thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đột phá.

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 70.000 doanh nghiệp CNS đang hoạt động với 1,5 triệu lao động, gần 500.000 kỹ sư, trong đó có 1.500 doanh nghiệp CNS có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Công nghiệp CNS đã trở thành một trong những ngành kinh tế-kỹ thuật có quy mô lớn nhất cả nước, là động lực tăng trưởng của đất nước. Dự kiến đến hết năm 2024, doanh thu từ công nghiệp CNS ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp CNS nước ta tuy nhiều nhưng lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô về vốn cũng như nhân lực còn hạn chế và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ hiện đại. Đặc biệt, sau khi nền kinh tế toàn cầu đã “ngấm đòn” do đại dịch Covid-19 và những biến cố địa chính trị khiến sức tiêu thụ cũng như sản xuất sản phẩm công nghệ sụt giảm. Nếu không có những cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp CNS, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ rất khó mở rộng quy mô nền kinh tế số của Việt Nam...

Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Ảnh: Phenikaa-uni.edu.vn 

Nhằm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong công tác quản lý, tạo ra những cơ chế thông thoáng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp CNS, vừa qua, dự thảo Luật Công nghiệp CNS đã được Chính phủ trình để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám. Đa số đại biểu cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp CNS phát triển thì bên cạnh cơ chế, chính sách ưu đãi, cần xác định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng, đặc biệt là cần có những cơ chế ưu đãi mang tính bước ngoặt, có trọng tâm, trọng điểm, vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tính khả thi, vừa góp phần tạo ra sự đột phá về lĩnh vực công nghệ. 

Đối với các doanh nghiệp CNS có quy mô nhỏ và vừa, cần cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ, bảo lãnh từ các ngân hàng. Bên cạnh các chính sách phát triển dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ quan quản lý cần có các quy định cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp CNS trong nước bảo đảm cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. (đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh).

Thúc đẩy hợp tác và đào tạo nhân lực 

Về thu hút nguồn nhân lực, việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với nhân lực CNS chất lượng cao là người Việt Nam và chuyên gia nước ngoài còn ít, chưa tạo được động lực. Hiện chủ yếu mới chỉ có ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân chứ chưa có các chính sách ưu đãi về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, nghiên cứu, điều kiện học tập.

Đánh giá trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp CNS tại Việt Nam, theo ông Phạm Anh Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tech Harmony, cần có quy định cụ thể về các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, như: Hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hướng nghiệp; hợp tác về việc cho sinh viên đi kiến tập hoặc thực tập tại các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các sinh viên làm quen với môi trường doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường cũng như thiết lập quy chuẩn chung cho đầu ra, đầu vào giữa nhà trường và doanh nghiệp, tránh để lãng phí nguồn lực chỉ vì tiêu chí không phù hợp.

Các đại biểu tham quan sản phẩm công nghệ tại sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”. Ảnh: QUANG ĐỨC 

Các chuyên gia cũng nhận định, hoạt động đào tạo các lĩnh vực về CNS cần được tăng cường; mở rộng các ngành học liên quan đến công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), an ninh mạng và các ngành công nghệ khác để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng; phát triển chương trình đào tạo liên ngành kết hợp công nghệ với các lĩnh vực khác như y tế, kinh tế, khoa học xã hội để tạo ra các giải pháp sáng tạo và nâng cao tính ứng dụng của CNS. 

Cùng với đào tạo sinh viên, đội ngũ giảng viên cũng cần được chú trọng bồi dưỡng kiến thức về công nghệ. Các giảng viên cần được đào tạo, cập nhật thường xuyên về những công nghệ mới để có thể truyền đạt cho học sinh, sinh viên một cách hiệu quả. Các cơ sở giáo dục cũng cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sinh viên và giảng viên nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp công nghệ mới.

Ngày 5-12 vừa qua, Chính phủ đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn NVIDIA (một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới) về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

HOÀNG CHUNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...