A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Tăng tốc” để “phủ sóng” nhà ở xã hội

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn hai lần Thủ tướng đã có buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan và tổ chức Hội nghị với các địa phương tìm giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Điều này chứng tỏ, phát triển nhà ở xã hội để hiện thực hóa giấc mơ an cư đối với người lao động có thu nhập thấp, trung bình, nhằm thực hiện sứ mệnh “vì một xã hội công bằng” là một trong những trọng tâm trong công tác điều hành của Chính phủ. Đặc biệt, điều đó càng có ý nghĩa với hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh “tấc đất, tấc vàng”, nếu không có ở nhà xã hội, người lao động chưa biết đến bao giờ có cơ hội an cư để lạc nghiệp!

Hà Nội “khắc phục” điểm nghẽn

Theo “Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030” đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua tại kỳ họp thứ 7, Thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở đồng thời phát triển đô thị bền vững, hiện đại, góp phần đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; tăng cường công tác quản lý xây dựng nhà ở.

Trong đó, Thành phố nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn; quy định nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

“Tăng tốc” để “phủ sóng” nhà ở xã hội
Với giá nhà thương mại quá cao, người lao động thu nhập thấp không thể nào tiếp cận.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, về giải pháp thực hiện chương trình này, Thành phố đặt ra 5 giải pháp. Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội.

Hai là, rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra.

Ba là, bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Thứ tư là, kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.

Thứ năm là, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế Công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Tổng thể, Thành phố đã triển khai 52 dự án, cộng 5 khu nhà ở xã hội tập trung là 57 dự án trên toàn địa bàn. Đối với các khu nhà ở xã hội tập trung, đây là chủ trương lớn, Thành phố đã đề xuất với Chính phủ từ năm 2017 để thực hiện giải pháp là tạo lập khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật có tính chất tổng hợp để giải quyết nhu cầu cơ bản của Thành phố.

Đến nay, 5 khu nhà ở xã hội tập trung này quy mô đất khoảng 280 ha, Thành phố đã bố trí ở khu vực huyện Đông Anh khoảng 84 ha, khu vực huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín quy mô cũng là 4 ha và một khu vực huyện Gia Lâm quy mô 55 ha và một khu nữa ở Đông Anh với quy mô lớn khoảng gần 100 ha. Dự kiến thời gian tới, sẽ hoàn thành bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn tương đương 38.000 căn hộ. Nội dung này, Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2021.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.

Để hoàn thành các nhiệm vụ này, phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã nêu ra 3 kiến nghị lớn của Hà Nội.

Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ nhất là về điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định, điều kiện để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải có quyết định chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt.

Kiến nghị thứ hai là về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, trên thực tế, một khu vực rộng lớn như Hà Nội, khi bố trí các khu vực nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức thì sẽ không phù hợp khi bố trí nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 2ha đất trở lên nhưng có diện tích đất ở nhỏ, một số dự án không phù hợp bố trí nhà ở xã hội cao tầng.

Tuy nhiên, theo quy định, những trường hợp mà không bố trí phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chứ không phải không bố trí là chưa hẳn không phù hợp với Luật và trong trường hợp đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Thành phố xin kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phát triển nhà ở công nhân cũng giao quyền cho thành phố Hà Nội và các thành phố khác điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê như nhà lưu trú, nhà tạm trú theo quy định.

Thứ ba, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nghiên cứu quy định chuyển tiếp về nghĩa vụ và quỹ đất hỗ trợ với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã có quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết được duyệt. Điều này bảo đảm không gián đoạn quá trình triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án.

TP. Hồ Chí Minh hướng đến “phủ sóng” nhà ở xã hội

Tại Hội nghị phát triển nhà ở do Thủ tướng chủ trì mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Nếu giai đoạn 2006 - 2010, Thành phố chỉ xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô 118 căn hộ, giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 10 dự án với quy mô 3.768 căn hộ. Giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, toàn Thành phố đã có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng 14.954 căn hộ.

Tuy nhiên, kết quả phát triển đầu tư nhà ở xã hội giai đoạn này chỉ chiếm 8% so với đầu tư phát triển nhà ở theo dự án là 1,23/15,21 triệu m2. Kết quả đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Thành phố trong thời gian qua mặc dù chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn Thành phố.

“Tăng tốc” để “phủ sóng” nhà ở xã hội
Xây nhà ở xã hội là cơ hội cho người có thu nhập trung bình và thấp (ảnh khu nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. (ảnh: Tuấn Minh)

Chính vì thế, vừa qua UBND Thành phố cũng đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội như dự án Khu dân cư phường Long Trường, khu nhà ở xã hội Công ty Exim, khu nhà ở phường Trường Thạnh (thành phố Thủ Đức), khu nhà ở Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), khu dân cư Hiệp Phước 1 thuộc khu đô thị cảng Hiệp Phước, chung cư nhà ở xã hội lô C1 Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7)… Song như thế vẫn là chưa đủ với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước với tốc độ tăng dân số cơ học vốn rất cao.

Bằng chứng, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, bình quân mỗi năm Thành phố tăng khoảng 200 nghìn người, dự báo đến năm 2025 dân số Thành phố khoảng 10,3 triệu người và đến năm 2030 là 11,3 triệu người. Dự báo nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị giai đoạn 2021-2025 có 20.540 hộ và giai đoạn 2006-2030 có 25.050 hộ. Nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động đang làm việc trực tiếp tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030, mỗi giai đoạn khoảng 20.000 công nhân.

Trong đó, theo chỉ tiêu đề ra, toàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025: Thành phố dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ); giai đoạn 2026 - 2030 phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 58.000 căn nhà. Chỉ tiêu là thế, nhưng lãnh đạo Thành phố cho rằng, mặt bằng đất đã khó, thủ tục đầu tư, triển khai dự án còn khó hơn. Đây chính là điểm nghẽn mà các bộ, ngành cần tháo gỡ ngay.

Khó khăn là thế, thủ tục phiền hà là vậy, nhưng với vị trí là trung tâm kinh tế đất nước nên chính quyền TP.Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm triển khai phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng một cách hiệu quả nhất. Vì thế, định hướng các giải pháp sắp tới, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ sắp xếp lại quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc quỹ đất do Nhà nước bồi thường để điều chỉnh quy hoạch và chuyển sang đất xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn của doanh nghiệp với thời gian thuê đất tối đa là 50 năm. Đồng thời rà soát quỹ đất có quy mô lớn, quỹ đất nông nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh không còn phù hợp với quy hoạch đã giao chủ đầu tư tại các khu vực huyện ngoại thành để xem xét điều chỉnh quy hoạch, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Trước mắt, Thành phố đã hệ thống trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để các nhà đầu tư biết thực hiện, gồm các bước liên quan như chấp thuận chủ trương đầu tư, duyệt quy hoạch, giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, cấp Giấy phép xây dựng.

TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương cho phép được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha theo 1 trong 3 hình thức gồm dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội ;chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội; nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức dành quỹ đất 20% trong dự án theo quy định.

Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, rõ ràng trong quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ dự án nhà ở xã hội ở các sở ngành và UBND Thành phố, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án.

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tăng cường ủy quyền và phân công cho UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và hoàn trả các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Hy vọng rằng, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền hai đô thị lớn nhất cả nước, trong một thời gian không xa, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ “phủ sóng” nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người lao động có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, góp phần thực hiện mục tiêu mang tầm chiến lược “vì một xã hội công bằng”, vì mọi người dân đều có quyền, cơ hội tiếp cận với nhà ở theo đúng bản chất xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Ưu đãi thuế để phát triển nhà ở xã hội

Dưới góc độ doanh nghiệp, tại Hội nghị phát triển nhà ở do Thủ tướng chủ trì, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết: Hiện nay doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội đang gặp vướng như chưa được vay ưu đãi với lãi suất 4,8%, dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Từ đó, HoREA kiến nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện. Cần bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển “nhà ở giá phù hợp thu nhập” với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng 1/2 mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.

Đại diện HoREA cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng nên quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ để tăng cường chức năng quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng công trình nhà trọ, phòng trọ tạo điều kiện cho công nhân lao động có chỗ ở tốt hơn, an toàn và nhiều tiện ích hơn.

Mặt khác Bộ Xây dụng cần trình Chính phủ xem xét cho phép doanh nghiệp được đầu tư dự án khu nhà trọ cho thuê để có nhiều hơn các khu nhà trọ, phòng trọ có chất lượng tốt, nhiều tiện ích, dịch vụ, an toàn phục vụ cho công nhân lao động và thúc đẩy sự cạnh tranh để các chủ nhà trọ cũng phải nâng cấp nhà trọ của mình tốt hơn.

Tuấn Dũng-Xuân Tình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...